Chùa Tây Phương - Sùng Phúc Tự

Chùa Tây Phương - Sùng Phúc Tự
Vãng cảnh Sùng Phúc Tự - Chùa tây phương

 

Chùa Tây Phương - gọi một tên khác là Sùng Phúc Tự, cách Hà Nội 40 phút chạy xe. Chùa nằm trên núi Câu Lậu – thôn Yên, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội, chùa là nơi lưu giữ nhiều tượng phật có giá trị của phật giáo Việt Nam. Nó thể hiện tài nghệ tuyệt vời của các nghệ nhân và nghệ thuật thuật tạc tượng Việt Nam và cũng là minh chứng của một nền văn hoá có từ lâu đời.

 

 

Chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Từ chân núi, đi qua 239 bậc lát đá ong, ta sẽ đặt chân đến cổng chùa. Trước mắt hiện ra ba nếp nhà song song gồm bái dường, chính diện và hậu cung. Xung quang diềm mái của ba toà đều trạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn. Đầu mái nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng được trạm trổ rất tinh tế. Mỗi nếp có hai tầng mái, tường xây hoàn toàn bằng gạch nung đỏ để trần.

Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba toà cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau gồm có chùa: Chùa Hạ, chùa Trung, Chùa Thượng. Mỗi toà đều có kiến trúc riêng rẽ nhưng lại kết hợp thành một quần thể. Mái chùa rất đặc biệt có những góc đao cong vút lên, cấu tạo theo kiểu hai lớp, hình thành một không gian rộng và thoáng đãng. Nét đặc sắc nhất của chùa là hệ thống tượng pháp.

Đi sâu vào bên trong các gian của chùa, được tận mắt chiêm ngưỡng những pho tượng Phật được coi là kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo mới thấy thật ấn tượng. Chùa có khoảng trên 80 pho tượng gỗ theo kiểu tượng tròn được đánh giá vào loại bậc nhất về nghệ thuật tạc tượng cổ nước ta.

Phía góc của chùa Hạ là 8 pho tượng Kim Cương với dung mạo bất phàm. Phía bên chùa Trung là pho tượng Di đà cao sừng sững. Phía bên chùa Thượng, đặt cao nhất là tượng Tam thế đặc tả rất tinh vi, bên dưới là tượng Đức Thế Tôn giáng sinh, hai bên là bốn tôn giả: Mục Kiền Liên, Xá Lợi Thất, Đại Cao Diếp, A Lan Đà.

Đặc biệt hơn cả là 18 pho tượng La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau ở hai bên tường lâu của thượng điện. Giống như nhà thơ Huy Cận miêu tả, mỗi vị là một nỗi khổ, cử chỉ, dáng điệu riêng thể hiện những tính cách khác nhau khá sinh động và hiếm thấy trong nghệ thuật điêu khắc cổ nước ta.

Ấn tượng không ai có thể quên là bức tượng tạc một người có tuổi, thân mình gầy gò, má hóp mắt sâu rất khác thường ngồi trong tư thế một chân xếp bằng một chân co, một tay đặt trên đầu, còn tay kia đặt vào lòng. Đó là tượng Đức Thế Tôn Tuyết Sơn. Tượng đạt đến cao độ của nghệ thuật siêu đẳng, thể hiện rõ một thân thể đau khổ sau sáu năm liền tu luyện trên núi Tuyết Sơn.

Trái với cảnh chen lấn, đông đúc của nhiều ngôi chùa khác trong các dịp đầu năm, hoặc lễ tết khung cảnh chùa Tây Phương vẫn yên bình và trong trẻo, một cảm giác bồng bềnh, mộc mạc ùa vào trong ta thật dễ chịu, tự nhiên thấy lòng nhẹ nhõm, tạm xa cái ồn ào, bon chen của cuộc sống nơi thị thành để lạc vào cõi tâm linh.

Nguồn tin: Sưu tầm