Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III Đường sắt Việt Nam

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III Đường sắt Việt Nam
Trong thời gian 2005 - 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, ĐSVN đã đạt được kết quả đáng khích lệ: bình quân tổng sản lượng tăng 17%/năm; tổng doanh thu tăng bình quân 12,3%/năm, tỷ lệ tăng lợi nhuận bình quân hằng năm 20,9% thu nhập bình quân tăng trên 10%/năm...

        Kể từ Đại hội Thi đua yêu nước năm 2005, tình hình SXKD - đời sống xã hội của ngành đường sắt Việt Nam có  nhiều chuyển biến tích cực. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, ngành vẫn duy trì được tăng trưởng, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tranh thủ được các nguồn lực, triển khai nhiều dự án chiến lược nhằm hiện đại hóa đường sắt Việt Nam (ĐSVN) trong tương lai.Thực hiện xã hội hóa kinh doanh vận tải, thu hút được nhiều đối tác ngoài ĐS đầu tư phương tiện tham gia vận tải. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giữ vững  ATGTVTĐS.

       Trong thời gian 2005 - 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, ĐSVN đã đạt được  kết quả đáng khích lệ: SXKD toàn ngành ĐS tăng trưởng liên tục. Bình quân tổng sản lượng tăng 17%/năm; tổng doanh thu tăng bình quân 12,3%/năm, tỷ lệ tăng lợi nhuận bình quân hằng năm 20,9%, nộp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, thu nhập bình quân tăng trên 10%/năm. Vận tải hàng hóa đạt 43,2 triệu tấn xếp, tăng bình quân mỗi năm 2,17%; 19,3 tỷ T.Km, tăng bình quân mỗi năm 10,6%. Vận tải hành khách đạt 57,2 triệu hành khách lên tàu, 22,1 tỷ Hành khách.Km, tăng bình quân mỗi năm 1,9%. T.Km tính đổi đạt 41,6  triệu, tăng bình quân mỗi năm 5,4%. Doanh thu vận tải tăng bình quân mỗi năm 6,9% . Quản lý khai thác hệ thống ĐS quốc gia có nhiều chuyển biến tích cực, đã hạn chế tình trạng xuống cấp của các công trình, thiết bị; giữ vững công lệnh tốc độ tải trọng; giảm thời gian chạy tàu, cải thiện và nâng cao chất lượng một số tuyến, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ vận tải bằng ĐS của nền kinh tế.  

       Tình hình ATGTVT ĐS cơ bản được giữ vững, không có tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do chủ quan gây ra; cả ba tiêu chí: số vụ tai nạn giao thông ĐS, số người chết, số người bị thương do tai nạn GTĐS có xu hướng giảm hàng năm.

       Các lĩnh vực SXKD khác như đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng ĐS; sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, du lịch, vật tư, xây lắp, trường học, y tế dự phòng... đều có sự tăng trưởng và phát triển vững chắc. Dưới ánh sáng chỉ thị 39/CT-TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào Thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2005 - 2010); cùng với việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ĐSVN đã  phát động 5 đợt thi đua lớn vào đầu của mỗi năm kế hoạch. Các đợt thi đua này kéo dài trong cả năm, mang tên "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước, thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm" với những mục tiêu cụ thể, sát thực, tạo động lực thúc đẩy SXKD của Tổng Công ty ĐSVN phát triển bền vững.

        Đánh giá kết quả thi đua 5 năm qua của ngành đường sắt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ ĐSVN, chúng ta có thể rút ra một số ưu khuyết điểm như sau:

      Về ưu điểm:

      Vận dụng sáng tạo và linh hoạt đường lối của Đảng vào thực tiễn SXKD của Tổng công ty, gắn thi đua với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” làm cho công tác thi đua khen thưởng luôn luôn được đổi mới, tạo được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội

      Khẳng định vị trí vai trò của thi đua yêu nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khẳng định thi đua là động lực quan trọng kích thích sản xuất phát triển, tu dưỡng rèn luyện nhân cách con người, ổn định xã hội.

      Tạo được phong trào thi đua mới với nhiều màu sắc phong phú, đa dạng, có chiều sâu, sát với yêu cầu của sản xuất, thiết thực với người lao động nên đã có sức cuốn hút đại đa số CBCNV hăng hái thi đua.

      Thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để gắn liền với cơ chế giám sát kiểm tra chặt chẽ theo phương châm: nơi nào nắm chắc, sát thực tế thì nơi đó quản lý, phát triển tốt.

      Tôn trọng nguyên tắc dân chủ, công khai, lượng hóa tối đa các tiêu chuẩn khen thưởng, giảm bớt cảm tính trong khâu xem xét so sánh, đánh giá. Tôn trọng sự thống nhất, hài hòa giữa lợi ích vật chất và tinh thần, làm cho công tác thi đua khen thưởng được phát huy tối đa tác dụng đối với hoạt động SXKD - KTXH.

      Xây dựng và bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua có năng lực, có nhiệt tình và có kiến thức chuyên môn vững vàng; thực sự đã trở thành hạt nhân cho công tác thi đua, khen thưởng

Về khuyết điểm:

       Trong công tác thi đua khen thưởng 5 năm qua, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được vẫn còn một số khuyết điểm, tồn tại sau đây:

       Chỉ thị 39 /CT-TW của Bộ Chính trị đã định ra mục tiêu: Huy động cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua khen thưởng. Tuy nhiên, từ ĐSVN đến các doanh nghiệp thành viên, việc tổ chức phong trào, duy trì và bồi dưỡng phong trào, phát huy điển hình phần lớn do Thủ trưởng và tổ chức công đoàn phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cá biệt có nơi vai trò của tổ chức Đảng đối với công tác thi đua khen thưởng chưa rõ ràng, thiếu quan tâm, còn khoán trắng cho chuyên môn, công đoàn hoặc bộ máy thường trực thi đua

       Về công tác nhân điển hình: Các điển hình khi được phát hiện, việc tổng kết đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình làm còn chậm và thiếu tập trung, đã hạn chế kết quả và sức lôi cuốn của điển hình. Điển hình tiên tiến chưa đủ mạnh, chưa đủ sức hấp dẫn để tạo thành làn sóng cuốn đi các hiện tượng tiêu cực, tình trạng thiếu trách nhiệm còn rơi rớt.

       Phương hướng, nhiệm vụ, nội dung đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn 2010 - 2015

          Từ những thành công và hạn chế của phong trào thi đua thời gian qua. Căn cứ vào chiến lược phát triển GTVT ĐSVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ĐSVN trong giai đoạn 2010 - 2015, công tác thi đua khen thưởng trong 5 năm tới của toàn nghành tập trung vào 3 nội dung sau:

1. Tổ chức các phong trào thi đua

a. Mục tiêu thi đua

     Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất đời sống xã hội, tạo lập thương hiệu, tích cực nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và tăng thu nhập cho CBCNV; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Xây dựng con người mới phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, có đạo đức, lối sống lành mạnh, đấu tranh chống các hiệ tượng tiêu cực, phấn đấu hết sức mình cho công cuộc phát triển đất nước và ngành ĐS

b. Nội dung thi đua

      Toàn ĐSVN tập trung đẩy mạnh 5 phong trào thi đua lớn sau đây:

      Phong trào thi đua đẩy mạnh SXKD, đảm bảo an toàn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập

      Phong trào thi đua đổi mới công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ công nghiệp hóa, tạo đột phá về chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, phát huy sáng kiến, hiến kế lập công, đổi mới tư duy kinh doanh, chủ động cạnh tranh và cạnh tranh thắng lợi trên thương trường

     Đẩy mạnh các phong trào thi đua chuyên sâu “Chính quy, Văn hóa, An toàn”, “Hai tốt”, “An toàn đèo dốc”, “Đảm bảo máy tốt, lái tàu an toàn, tiết kiệm nhiên liệu”, “Giảm xóc lắc, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng”,v.v..

     Phong trào thi đua học tập, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ, phát triển nguồn nhân lực mới

     Thi đua xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, khơi dậy niềm tin, lòng tự hào về con người và doanh nghiệp ĐSVN: năng động, yêu nghề, thanh lịch và hiện đại. Xây dựng đội ngũ công nhân đường sắt với văn hóa “Nụ cười ĐSVN”

2. Công tác phát hiện và tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến

     Phát huy kết quả chuyên mục biểu dương Người tốt việc tốt trên Báo ĐSVN; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, tổng kết và giới thiệu các điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt việc tốt. Thông qua tuyên truyền như một kênh thông tin để phát hiện điển hình.

3. Công tác khen thưởng

     Tập trung làm tốt công tác khen thưởng thường xuyên, định kỳ, đảm bảo đúng luật. Cơ cấu khen thưởng cân đối, hài hòa. Làm tốt công tác khen thưởng đột xuất, đảm bảo sự thống nhất hài hòa giữa khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần.

      Đổi mới quy trình xét duyệt khen thưởng theo hướng đơn giản các thủ tục, đảm bảo thông thoáng, kịp thời, chính xác, mở thêm kênh bình chọn  danh hiệu thi đua trên trang web ĐSVN.

      Với truyền thống đoàn kết, kỷ luật, công tác, với vận hội phát triển mà đất nước và lịch sử đã trao cho, nhất định phong trào thi đua yêu nước của ĐSVN sẽ phát triển lên một tầm cao mới, góp phần hoàn thành toàn diện kế hoach kinh tế xã hội giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo; xứng đáng với sự quan tâm, lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành Đường sắt

Tác giả bài viết: lntung

Nguồn tin: ĐSVN