Tết Nguyên Đán - Tân Mão

Hồng tươi của đào Tết

Hồng tươi của đào Tết

Tết Nguyên Đán Tân Mão, bàn về ngữ nghĩa 3 từ "Tết - Nguyên - Đán", nói về các tập tục hay của người Việt và bàn về những việc nên làm

 

“Tết”  về ngữ nghĩa có khởi nguồn từ chữ Hán có nghĩa là “Tiết”, người xưa chia một năm thành 4 mùa với 24 tiết khác nhau gắn với các điều kiện về khí hậu, thời gian; “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, “Đán” là là buổi ban mai. Tết Nguyên Đán là lễ hội đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ, đặc biệt phù hợp với nền kinh tế thuần nông như nước ta. Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên.

Tết Nguyên Đán bao gồm nhiều tục lệ đáng ghi nhớ, như:

Ngày “Tiễn ông Táo về trời”  - 23 tháng Chạp, để báo cáo với Ngọc đế, Thiên Tào những việc xảy ra ở trần gian, gia chủ trong năm;

“Chợ tết” tết càng gần thì chợ càng tưng bừng, náo nhiệt mua sắm, xem bói, xin quẻ, xin chữ và ….vui như…chợ tết;

Cây Nêu” ở các vùng thôn quê từ ngày 23 tháng chạp đã có thể dựng và hạn cuối là chạng vạng của chiều 30 tết, cây nêu là một cây tre nguyên ngọn, trên có treo cái mũ nhỏ, cái khánh đất nung để chứng tỏ nhà có chủ;

Trong dịp những ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như:

“Tống cự nghênh tân”cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

 “Giao thừa” – Đêm 30 hay còn gọi là đêm “Trừ tịch” với nghĩa trừ bỏ đêm tối, lễ giao thừa,  trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, khói hương nghi ngút, ngoài các thứ bành trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả, Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc. Lễ giao thừa được tổ chức trang trọng tại tư gia, đình , đền, chùa với những lơi cầu khấn cho sự tốt lành.

Mừng tuổi, chúc tết:trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc, những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi"hay "của đi thay người"nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.  Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

Hái lộc, xông nhà: Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Nhiều nhà tự đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía".

Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội; tình thầy trò, bè bạn cố tri;

Phong tục ngày Tết việc biếu quà tết, tỏ tri ân, học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà tết không đánh giá theo giá thị trường, mà gia strij là ở tấm lòng.

Vào dịp đầu xuân các gia đình, dòng họ thường tổ chức mừng thọ thất, bát, cửu tuần... (tính theo tuổi âm), cũng là một nét đẹp về đạo lý “Kính già, già để tuổi cho”;

Cũng vào dịp đầu Xuân (thường trước ngày Khai hạ mùng 7 tháng Giêng), người có chức tước khai ấn; học trò, sĩ phu khai bút; nhà nông khai canh; người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ; sau ngày mùng Một, dù có mải vui tết cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê nướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

Ngày xưa, dưới thời phong kiến, từ triều đình đến quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đều nghỉ lễ từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày khai hạ (tức ngày mùng 7 tháng Giêng), ngày nay nghỉ Tết, chơi Tết, du xuân thế nào cho hợp lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục là điều phải quan tâm.



 

 

Tác giả bài viết: HCTH

Nguồn tin: Lượm lặt