Thăm quan vườn quốc gia ngập mặn Xuân Thủy
Vườn quốc gia Ngập mặn Xuân thủy - khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam được quốc tế công nhận
Cách Hà Nội khoảng trên 150 km, vườn quốc gia Xuân Thủy, thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định với tổng diện tích là 12.000 ha thuộc vùng cửa sông Hồng. Đây là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam được quốc tế công nhận, VQG có thảm thực vật phong phú và rất nhiều loài động vật quí hiếm, là điểm đến cho những cư dân nơi thị thành để đến với miền trời đất đấy nắng, gió và mênh mông trời, biển.
Ảnh nguồn Internet
Cảm nhận đầu tiên đến với nơi đây chính là sự thanh bình, không chút áp lực nào của thời kinh tế thị trường, của những toan tính mưu sinh hàng ngày còn vương vấn trong tâm tư mỗi người trước sự choáng ngợp của một vùng sông nước bao la, xa xa là biển đông ngút tầm mắt và nhất là khi được giới thiệu về sinh cảnh phong phú với 120 loài thực vật bậc cao, 107 loài cá, 500 loài thủy sinh, 220 loài chim, hơn 10 loài thú (cá heo, cá đầu ông sư, rái cá…) và rất nhiều loài bò sát, côn trùng và lưỡng cư ... tồn tại, sinh sống nơi vùng đất ngập mặn này
Đoàn CBCNV công ty thăm quan vườn Quốc gia Xuân Thủy
VQG Xuân Thuỷ nằm trong khu vực bờ biển thuộc lưu vực sông Hồng, ngay tại cửa sông Hồng đổ ra biển, hay còn gọi là cửa Ba Lạt. Khu bảo tồn bao gồm các cồn cát và xen kẽ giữa chúng là các bãi bồi ngập mặn mỗi khi triều lên. Cồn Ngạn là cồn cát lớn nhất, trên đó chủ yếu là các đầm nuôi trồng thuỷ sản và hầu hết có rừng ngập mặn bao phủ. Cồn Lu gồm một bãi cát rộng lớn, cùng các bãi bồi lầy và một diện tích nhỏ các đầm nuôi trồng thuỷ sản. Cồn Xanh là cồn nhỏ nhất có lớp cát mỏng và vẫn đang tiếp tục bồi đắp do phù sa từ sông Hồng đem lại. Cồn Xanh và Cồn Lu thường bị ngập khi thuỷ triều lên. Ranh giới phía Nam của VQG là cửa sông Vọp; gianh giới phía đông bắc là sông Hồng và bên kia là tỉnh Thái Bình.
Ảnh nguồn Internet
Có sự đa dạng và tình trạng còn tương đối nguyên vẹn của các vùng sinh cảnh, nên khu lõi của VQG Xuân Thủy là nơi dừng chân và trú đông quan trọng của các loài chim nước phía bắc di cư, qua các đợt khảo sát năm 1988 và 1994 đã quan sát được trên 20.000 cá thể chim nước trong khu vực; Thậm trí mùa xuân năm 1996, có khoảng trên 33.000 con chim biển dừng chân trú ngụ, bay qua vườn quốc gia này.
VQG Xuân Thủy là nơi thường xuyên ghi nhận 8 loài chim bị đe doạ và sắp bị đe doạ tuyệt chủng ở mức toàn cầu, đó là: Cò thìa Platalea minor, Cò trắng Trung Quốc Egretta eulophotes, Choắt lớn mỏ vàng Tringa guttifer, Mòng bể mỏ ngắn Larus saudersi, Bồ nông chân xám Pelecanus philippensis, Rẽ mỏ thìa Calidris pygmeus, Giang sen Mycteria leucocephala, Choắt chân màng lớn Limnodromus semipalmatus.
Ảnh nguồn Internet
Ghi nhận đáng chú ý nhất ở Xuân Thuỷ là tồn tại quần thể loài Cò thìa lớn nhất tại Việt Nam, trong một vài năm gần đây, số lượng lớn nhất được chính thức ghi nhận tại khu vực là 65 cá thể. Ngoài ra, Xuân Thuỷ là nơi tập hợp, trú chân quan trọng của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông như Choắt mỏ thẳng đuôi đen Limosa limosa, Choắt chân đỏ Tringa erythropus và Choắt mỏ cong lớn Numenius arquata. Do có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim, Xuân Thuỷ đã được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam.
Ảnh nguồn internet
Tuy nhiên việc tổ chức bảo tồn các sinh cảnh, chim, thú cũng như phương thức phục vụ các mục đích nghiên cứu động, thực vật vùng ngập mặn cũng như thiết kế các tour du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu khám phá vẻ đẹp của vùng đất ngập mặn còn thiếu bài bản, sản phẩm du lịch, dịch vụ còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn nên kém sức hấp dẫn các nhà khoa học và du khách tìm đến miền đất này. Hy vọng một thời gian không xa, VQG Xuân Thủy sẽ được đầu tư một cách toàn diện, có bài bản hơn để thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn phục vụ các nhà nghiên cứu và du khách gần xa.