Đang truy cập : 32
Hôm nay : 27988
Tháng hiện tại : 403125
Tổng lượt truy cập : 47270906
“Tứ bất tử” là một huyền thoại về việc nhân dân ta tôn vinh và thờ phụng “bốn vị thánh không bao giờ chết” (Tứ bất tử): Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Kể cũng lạ, vì các vị thánh thần mà dân gian tôn sùng thì rất nhiều, vậy mà chỉ có 4 vị được đặt riêng ra, liệt vào hạng “siêu thánh”. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kĩ về mọi phương diện, chúng ta sẽ tìm ra được những căn nguyên sâu xa, vừa độc đáo, vừa giàu chất văn hoá sử thi của truyền thuyết dân tộc được lưu truyền bao đời nay trong dã sử. Con số 4 trong dân gian từ xưa đã có nhiều ý nghĩa mang tính triết lí: “bốn phương tám hướng, tứ hải giai huynh đệ, tứ trụ triều đình, tứ tuyệt”... Có thể thấy rằng mọi cơ cấu giá trị vật chất tinh thần nhiều khi được bắt đầu bằng “bộ tứ”.
Theo các nhà nghiên cứu (Lê Đức Thịnh 2001, Trần Ngọc Thêm 2001), Thánh Tản Viên được coi là vị thánh được nhắc tới đầu tiên. Có lẽ đây là vị thánh liên quan tới truyền thuyết về việc bảo tồn, giữ gìn đất nước trong cuộc đấu tranh đối chọi với thiên nhiên và với giặc ngoại xâm của dân tộc. Truyện kể về xung đột mang màu sắc “tình ái” giữa hai vị thần tượng trưng cho hai thế lực đối chọi nhau: Thuỷ Tinh (Thần Nước), là sức mạnh tự nhiên, biểu hiện của thiên tai lũ lụt, bão tố ... mà hàng năm nhân dân ta phải gánh chịu, nhất là cư dân lưu vực đồng bằng sông Hồng (mà Thăng Long là vùng chịu ảnh hưởng khá nặng nề).
Ngày hội Tản Viên ở Đền Hạ thuộc Tản Viên Sơn Thánh
Còn Sơn Tinh (Thần Núi), còn gọi là Thánh Tản Viên, đại diện cho sức mạnh vật chất, ý chí, sự thông minh, lòng quả cảm và sự đoàn kết toàn dân, đã chống chọi kiên cường và chống chọi thành công với sức huỷ diệt tàn phá của mọi thiên tai địch hoạ. Trong tâm thức dân gian của người Việt, Tản Viên là vị thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn và vĩnh viễn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai (lũ lụt) để bảo vệ cuộc sống chung. Tuy nhiên, đã có hai quan niệm và cách giải thích nguồn gốc của vị Thánh này.
Các học giả thời phong kiến (các sử gia, các nhà trước tác) cho Tản Viên là "hạo khí anh linh của trời đất sinh ra" (Kiều Phú, trong Lĩnh Nam chích quái), hoặc cho "Tản Viên là 1 trong 50 người con của Lạc Long Quân, Âu Cơ theo cha xuống biển " (đúng ra thì phải là chắt khoảng đời thứ 19). Chàng "từ biển đi vào, qua cửa Thần Phù, ngược sông Hồng đến Long Đỗ (Hà Nội), Trấn Trạch, rồi ngược sông Lô, đến Phúc Lộc giang". Từ đấy, "nhìn thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp, lại thêm phía dưới dân chúng thuần phác, thái bình", nên chàng "đã làm một con đường thẳng như kẻ chỉ, từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía Nam núi Tản Viên, tới động An Uyên, thì lập diện để nghỉ ngơi" (Trấn Thế Pháp, cũng trong Lĩnh Nam chích quái, nhưng là một dị bản).
Đền Và Sơn Tây, Hà Nội thờ đức thánh Tản
Các tác giả Lịch triều Hiến chương (Phan Huy Chú) và Việt sử Thông giám cương mục ... cũng đều có những quan niệm tương tự. Trong khi đó theo quan niệm của mọi người, được thể hiện qua các bản thần thích thần phả ở các làng trong vùng Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phú) thì Thánh Tản Viên lại là người có thực, xuất thân từ tần lớp nghèo khổ trong dân chúng. Chàng tên thực là Nguyễn Tuấn, có tài “hô phong hoán vũ”, dũng cảm, được Hùng Vương kén làm rể, gả con gái Mỵ Nương. Sau đó, Thủy Tinh vì không được chọn, đã nổi giận đem binh đến đánh, xảy ra các cuộc chinh chiến trong nhiều năm trời. Rốt cuộc, Thủy Tinh luôn là kẻ bại trận...
Quan niệm này phù hợp với những quan niệm chung đã có về các thánh bất tử trong tâm thức dân gian, bởi vì chính quan niệm ấy đã tạo nên một hình tượng "Thánh Tản Viên" có tính nhất quán và hoàn chỉnh.
Ngày khai hội đền Và - Sơn Tây, Hà Nội (Nguồn internet)
Còn Thánh Gióng là một vị thánh quá quen thuộc với nhân dân ta. Truyền thuyết này gắn bó và lưu truyền với mọi thế hệ người Việt. Thông qua một câu chuyện một đứa trẻ kì lạ, lên 3 rồi mà chẳng biết nói cười gì cả. Vậy mà khi giặc Ân từ phương Bắc tới thì cậu bé tầm thường kia bỗng nhiên đổi khác, đứng dậy nói năng hết sức dõng dạc và mau chóng lớn thành một tráng sĩ. Vị tráng sĩ này cưỡi ngựa sắt, đội nón sắt, cầm gậy sắt ... một mình xông ra giữa trận tiền. Đánh tan giặc Ân, vị anh hùng bỏ lại tất cả, một mình một ngựa bay thẳng lên trời. Đây chắc chắn là bài ca hào hùng nhất về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Những con người bình dị, lớn lên từ nghèo khó, nhưng khi đất nước lâm nguy thì sẵn sàng xả thân, hy sinh vì nghĩa lớn. Lúc đó, họ trở thành một con người khác hẳn, có sức mạnh phi thường. Truyền thuyết sử thi giàu chất anh hùng ca này vẫn còn lưu giữ bằng các di tích rất phong phú tại làng Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội.
Tượng đài thánh gióng trên đỉnh núi Đá Chồng, Phù Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội
Truyền thuyết còn kể rằng: Ông sinh ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội thời Vua Hùng thứ 6. Thánh Gióng là người "trời" đầu thai làm đứa trẻ tuy lên 3 mà không biết nói cười. Trong trận chiến với giặc Ân, Thánh Gióng cùng chiến đấu với Thánh Hùng Linh Công, cả hai cùng hợp binh đánh một trận quyết định ở chân núi An Vũ Ninh Sơn. Hùng Linh Công là cháu ruột Vua Hùng, một danh tướng thuộc đời Hùng Vương thứ 6 (1718 - 1631 TCN), ông được vua trao cho kim đao và 3 vạn binh mã đi tiên phong cùng với Thánh Gióng đánh tan giặc Ân. Ông được Vua Hùng giao cho cai quản xứ Kinh Bắc, ông cũng có công trừ hổ để giữ cuộc sống an bình cho dân. Ông sinh ra và mất trên đất Hiệp Hòa, Bắc Giang và được thờ ở Đền IA khoảng 3.700 năm nay. Trong "Trường thiên đối liên" (mỗi vế đối có 71 chữ Hán) còn lưu lại ở Đến IA có câu nêu công đức của hai Thánh: “... Diệt quốc cừu, điện quốc cơ, trùng tiêu quốc xí/Đương ư sóc phong liệt tướng/Thành sở vị: giang nam nhất nhân, giang bắc nhất nhân” (dịch nghĩa: “... Diệt giặc nước, xây móng nền, dựng cờ Tổ quốc/Cùng trang liệt tiếng Sóc Sơn/Thành truyền thuyết: phía Nam sông tướng giỏi, phía Bắc sông người tài” (tức là phía Nam sông Cầu có tướng giỏi là Thánh Gióng, phía Bắc sông Cầu có người tài là Hùng Linh Công).
Ngày hội đền Gióng làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội (Ảnh nguồn Internet)
Truyền thuyết thứ ba là truyền thuyết về Thánh Chử Đồng Tử, lan truyền từ thế kỉ XV (Lê Đức Thịnh, đã dẫn, tr. 283). Đây là câu chuyện về tình duyên giữa công chúa Mỵ Nương Tiên Dung với chàng trai nghèo khổ Chử Đồng Tử.
Tương truyền Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân tại Chử Xá (huyện Văn Giang, Hưng Yên); có bản viết là Chử Vi Vân. Theo "Việt sử giai thoại" của Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo dục). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.
|
Đền thờ Chử Đồng Tử ở Đa Hòa, xã Bình Minh, Văn Giang, Hưng Yên. Ảnh tư liệu |
Thời ấy Vua Hùng Vương thứ ba có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của công chúa đến thăm vùng đó. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, nghĩ ngợi rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng.
Vua Hùng nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung. Nàng biết ý nên cùng chồng mở chợ Hà Thám đổi chác với dân gian. Buôn bán tấp nập, phồn thịnh, ai cũng kính thờ Tiên Dung-Chử Đồng Tử làm chúa (theo "Việt sử giai thoại" của Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục).
Ngày hội Chủ Đồng Tử, VĂn Giang, Hưng Yên (Nguồn internet)
Một hôm có người bày cho cách ra ngoài buôn bán nhiều lãi, Tiên Dung khuyên chồng nghe theo. Chử Đồng Tử bèn theo khách buôn đi khắp ngược xuôi. Một hôm qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Tiên (có bản ghi là Quỳnh Vi - tham khảo "Việt sử giai thoại" - Chuyện kể Chử Đồng Tử; đây là tên một ngọn núi chỉ có trong thần thọai), Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi và gặp một đạo sĩ tên Phật Quang. Chàng bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là vật thần thông.
Về nhà, Chử Đồng Tử truyền mọi sự lại cho vợ, Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng la liệt. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dân hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.
Nghe tin, Vua Hùng cho là có ý tạo phản, vội xuất binh đi đánh. Quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, quân nhà Vua đóng ở bãi Tự Nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện và cả bầy tôi của Tiên Dung-Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn.
Nhân dân cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là chợ Hà Thị.
Sự gặp gỡ có phần kì bí đã thêu dệt nên một thiên tình sử lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Lạ lùng là ở đây có một tình yêu và quan niệm bạo dạn, tới mức dũng cảm, vượt qua tất cả mọi ranh giới. Nàng Tiên Dung dám yêu, dám lấy chàng Chử Đồng Tử nghèo hèn, bất chấp mọi lễ giáo phong kiến và ngôi vị thứ bậc trong xã hội. Đây là một nét đẹp đậm chất nhân văn nhất trong bốn vị Thánh của “Tứ bất tử”. Câu chuyện thể hiện nguyện vọng xây dựng một cuộc sống phồn vinh vật chất trên nền tảng một tình yêu đích thực. Người ta đã thống kê có tới 72 làng lập điện thờ Chử Đồng Tử, rải rác ở hai bờ tả ngạn sông Hồng. Trong đó, có một đền thờ lớn lập tại thôn Chử Xá, Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội.
Phủ Tây Hồ, nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh. Ảnh tư liệu |
Vị thánh cuối cùng trong bốn vị, có tên thật là Liễu Hạnh, sinh ra vào thời Lê (1557). Liễu Hạnh Công chúa là một trong những vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Thánh Mẫu.
Liễu Hạnh Công chúa được thờ ở rất nhiều nơi như Phủ Giầy ( Nam Định), phủ Tây Hồ và đền Sòng Sơn Vọng Từ (phố Tôn Đức Thắng) ở (Hà Nội), đền Dâu Tam Điệp, (Ninh Bình), đền Sòng và đền Phố Cát (Thanh Hóa), đền Phủ Giày (TP Hồ Chí Minh) ... trong đó, phủ Giầy ở Vụ Bản Nam Định là nơi quan trọng nhất. Hàng năm, đến ngày huý của bà, dân chúng đi trẩy hội rất đông, đặc biệt là ở hội Phủ Giầy vào tháng 3 âm lịch (từ mồng 1 đến mồng 10). Dân gian có câu: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", nói về ngày giỗ của hai vị được dân gian thờ cúng: "Cha" là Vua cha Bát hải Động Đình và Trần Hưng Đạo, còn "Mẹ" chính là bà Chúa Liễu.
Lăng bà chúa Liễu, tại xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định
Liễu Hạnh là một điển hình về sự khẳng định vai trò của người phụ nữ, dám nói lên tiếng nói phản kháng với triều đình phong kiến, còn mang nặng tư tưởng Nho giáo, không coi trọng vai trò của người phụ nữ. Liễu Hạnh được dân gian tôn sùng là Thánh Mẫu.
Tục thờ Tứ bất tử là một tục lệ mang màu sắc tín ngưỡng nhưng lại phản ánh đậm nét truyền thuyết lịch sử và có giá trị văn hoá rất sâu sắc. Đây chính là nền tảng tư tưởng làm nên cốt cách của con người Việt Nam: kiên trung, bất khuất, thông minh, sáng tạo, tình nhà nghĩa nước hài hoà. Chất nhân văn được kết tinh, chắt lọc trong bao chặng đường lịch sử đã làm nên biểu trưng hiển hách nhất của con người Việt Nam ta. Đó là bề dày, là cội nguồn của đời sống tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc trong mọi hoàn cảnh từ xưa tới nay.
Tác giả bài viết: PGS – TS Phạm Văn Tình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn