Đang truy cập : 518
Hôm nay : 115748
Tháng hiện tại : 923955
Tổng lượt truy cập : 57852376
Trong chuyến đi vừa qua sang Nhật Bản công tác, chúng tôi rất chú ý đến các sản phẩm gốm được bán trên đất bạn. Trong các siêu thị của Nhật Bản, chúng tôi thấy bán rất nhiều loại gốm của nhiều nước khác nhau. Gốm Nhật Bản có 2 loại: một loại thô mang tính nghệ thuật cao mà nhiều người chúng ta đã biết - bán với giá như những tác phảm nghệ thuật, thì một loại khác giá khá rẻ, đó là đồ sứ gia dụng với men trắng, mỏng, hết sức tinh tế với trình độ sản xuất công nghệ cao.
Bên cạnh gốm Nhật còn có đồ gốm gia dụng, đồ lưu niệm của Trung Quốc mang phong cách Nhật làm theo đơn đặt hàng của các thương gia Nhật Bản và được nhập về bán với giá bình dân mà lúc đầu tôi cứ tưởng là gốm Nhật. Gốm Thái Lan với các đĩa có kích thước khác nhau được tráng men xanh như men ngọc nhưng ở giữa lòng đĩa là loại men thuỷ tinh rạn và giá cả cũng rất bình dân.
Khi đến tỉnh Chi-Ba, một tỉnh cách thủ đô Tô-ky-ô 100km đường cao tốc nhưng nếu đi qua con đường ngầm nổi tiếng nối hai bờ vịnh Tô-ky-ô thì lại rất gần. Ở đây, chúng tôi được làm quen với một gia đình Việt kiều - anh Lâm và chị Hồng chuyên bán đồ gốm Bát Tràng đã mấy năm nay.
Trên một khoảng đất rộng máy ngàn mét vuông, những công-ten-nơ chất đầy gốm Bát Tràng để bên nhau như một "tổng kho" và một cửa hàgn bán lẻ đồm gốm nhiều chủng loại, tuy nhiên loại gốm chậu trồng cây với các kích thước khác nhau và chậu treo tường là nhiều hơn cả. Tại cửa hàng cũng bán các chậu cây đã được trồng các loại cây hoa và cây cảnh, để luôn ngoài trời và buổi tối cũng không có ai trông nom. Cách kết hợp giữa bán chậu cây với bán cây cũng là một hình thức hấp dẫn khách hàng và thu thêm được lợi nhuận trong quá trình bán gốm. Tất cả các sản phẩm trong cửa hàng đều được niêm yết giá. Tuy nhiên, anh Lâm cho biết đối với những người hàng xóm quen biết đến mua, anh giảm giá 30%, còn những thương gia mua buôn để về bán lẻ trong các siêu thị thì giá bán chỉ còn 30% so với giá đã ghi trên các mẫu. Tôi cũng ngạc nhiên vì lần đầu tiên tôi thấy cách bán hàng hàng mà chênh lệch giữa người buôn và người bán cao đến như vậy. Khi tìm hiểu, tôi được biết các siêu thị bán lẻ ở Nhật thuê cửa hàng và nhân công với giá rất cao, đó là chưa kể trong quá trình vận chuyển, bán hàng bị vỡ hỏng nên với tỷ lệ đó, người bán hàng mới có lãi.
Tôi được biết giá gốm Bát Tràng bán ở Nhật Bản khá cao khi đến tay người tiêu dùng, tuy nhiên để gốm đến được Nhật Bản và đến các cửa hàng là một quá trình vận chuyển, hao vỡ và những thủ tục của hải quan.
Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với một số thương gia trong Tỉnh Chi-Ba và Tô-ky-ô có siêu thị bán đồ gốm Bát Tràng lấy từ "tổng kho" của anh chị Lâm - Hồng và chứng kiến một đêm, một khách hàng - cô Hà, một nữ Việt kiều ở Tô-ky-ô chất đầy 2 xe tải gốm Bát Tràng, chủ yếu là chậu trồng cây các kích cỡ để chở về bán tại siêu thị Tô-ky-ô. Trong vài ngày, tôi cũng gặp lại nhiều khách hàng Nhật ghé qua mua chậu, một bà chuyên kinh doanh bất động sản đã mua cho nhà mình tới 150 bộ đôn - chậu mà vẫn còn đến tìm mua nữa. Tôi đã nói vui với bà ấy "Bà cứ sưu tập, 100 năm nữa, bà sẽ có một bộ đôn chậu Bát Tràng cổ"
Người Nhật biết đến gốm Việt Nam và rất hâm mộ gốm Việt Nam. Ở Nhật, bên cạnh gốm Bát Tràng còn lại gốm sành xốp của Đồng Nai, tuy nhiên gốm sành xốp Đồng Nai nung ở nhiệt độ còn thấp nên dễ vỡ và người Nhật ít ưa chuộng. Gốm Bát Tràng là loại gốm sành trắng có truyền thống từ rất lâu đời, nhiều người Nhật đã mến mộ và sử dụng loại gốm này từ những thế kỷ trước nên rất quan tâm đến loại gốm Bát Tràng mới. Tuy nhiên, trong các loại hàng gốm Bát Tràng xuất sang Nhật Bản, người Nhật thích nhất vẫn là các chậu tròng cây men tráng vẽ hoa làm với những kiểu dáng hoa văn khác nhau. Người ta chú ý đến độ bền của gốm, độ bóng và đều của men, kỹ thuật thành hình và kỹ thuật vẽ, chạm đắp nổi các hoa văn. Nói cách khác, người Nhật rấ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nghệ thuật tạo hình và trang trí. Điều quan tâm nữa đó là phải luôn thay đổi về mẫu mã nếu muốn có được thị trường lâu dài.
Bên cạnh chậu cây, một số loại hình gốm khác như bát ,đĩa, ấm, chén bán chậm, có lẽ chúng ta chưa tìm hiểu kỹ phong tục tập quán của người Nhật để tìm ra những mặt hàng phù hợp với nhu cầu của họ, mặt khác, các loại đồ gia dụng này đã có Trung Quốc, Thai Lan sản xuát và bán sang với giá rẻ, phù hợp với thị hiếu của người Nhật.
Nhiều thương gia Nhật Bản muốn đến Việt Nam và muốn đến làng Bát Tràng để tham quan quá trình sản xuất cũng như tìm hiểu trong kinh doanh. Chúng tôi nghĩ rằng thị trường gốm Bát Tràng ở Nhật Bản còn đang rộng mở với hơn 100 triệu dân đời sống khá cao, kể cả ở nông thôn đến thành thị, các nhà đều có vườn rộng và mọi người thích trồng cây cảnh - phải chăng, đó là nguồn tiêu thụ các loại chậu trồng cây Bát Tràng nhiều nhất hiện nay và cho tương lai.
Tác giả bài viết: Theo HNM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn